Chuyện Sách Cũ - Góp nhặt và chia sẻ

Bìa báo Xuân ngày cũ - Saigon xưa

Bìa báo Xuân ngày cũ - Saigon xưa

Không biết từ bao giờ, chắc cũng phải lâu lắm, mặc nhiên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam vui tươi là phải xuất hiện trên bìa những tờ báo Xuân đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng thuở đó. Mãi tới bây giờ vẫn vậy, bạn cứ nhìn những tờ báo Xuân cũ mà xem!

... Tôi nhớ, quãng đầu những năm 1950, khi ấy người Việt mình trừ những bậc thầy như Nguyễn Cao Đàm, Mạnh Đan, Trần Cao Lĩnh hay cả Võ An Ninh là chụp ảnh giỏi - Các ông ấy lại say mê theo đường sáng tác nhiếp ảnh nghệ thuật với mây nước, cây cỏ, mái tranh, khói bếp; mà nếu có nhìn tới phụ nữ chăng nữa thì cũng không phải là hướng tới chuyện làm bìa Báo Xuân - nên các tay máy chuyên về lĩnh vực làm bìa đẹp theo kiểu quần chúng rộng rãi cũng chưa có bao nhiêu. Những bìa Xuân các tờ Thần Chung, Văn Xuân, Văn Thanh, Dân Thanh, Tiếng Dội bằng tranh như dưới đây là minh chứng.

Lúc đó người ta chuộng những bìa Xuân là hình vẽ, và chính các họa sĩ mới là đối tượng được nuông chiều.

Tất cả, suốt từ thập niên 1940 sang tới cuối 1950, các tranh vẽ phụ nữ tươi cười, thể hiện hình ảnh ấm no, thanh bình trong nhịp sống miền Nam hàng ngày đã chiếm đa số tuyệt đối trên bìa Xuân. Phải nhắc tới các họa sĩ đắt khách khi ấy là Lê Trung, Lê Minh, Thái Văn Ngôn, Duy Liêm - Chứ không phải Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Nghiêu Đề, Phạm Cơ, Nguyễn Thị Ngà và nhất là Phạm Tăng của tờ Bách Khoa, vốn dĩ thuộc một "tạng" khác. Không thể xem các bức tranh bìa với màu sắc chói rực của các tay cọ vẽ bìa Xuân là hàng chợ, dù họ đã từng vẽ không kịp thở cứ quãng vài ba tháng trước Tết hàng năm là không ngơi tay, vì khách từ các tòa soạn cứ nườm nượp.

Của đáng tội, lúc đó kỹ thuật in báo cũng chưa tân tiến như bây giờ, mà phải tới cuối những năm 1960, kiểu in offset mới bắt đầu thịnh hành. Trước đó, là in mộc bản, sau mới là typo chiếm đa số, mà các màu cơ bản vẫn không có bao nhiêu (Đại khái xanh, đỏ, vàng, đen gồm Cyan, Magenta, Yellow hay Black - CMYK như bây giờ). Mỗi màu phải là in một lượt, sau đó sẽ tùy theo bản ảnh gốc, mà chọn màu in kế tiếp và cũng như thế, mới cho ra các màu trung gian - Ví dụ, xanh lá cây, nâu, hay hồng cánh sen. Vì thế thợ in phải giỏi về nhìn màu để biết sẽ cho in màu nào trước, màu nào sau và cùng lắm, với những màu không thể pha được, mới phải chế bản thêm màu thứ năm. Thế mà bản in nào chỉ đạt quãng 70% màu sắc bản gốc đã là giỏi lắm.

Chuyện họa sĩ vẽ bìa Xuân một đằng, khi in thực, cho màu sắc lòa mắt vì lỗi thời đại, là bình thường.

Từ đó cho đến khi người ta biết tách màu bằng kỹ thuật quang cơ, trên 4 phim 4 màu, nhờ kỹ thuật vào những năm 1970 rồi tới sau 1975 và dài tới tận bây giờ, là tách màu trên máy tính, còn là con đường rất xa. Mà cả thành phố, hồi những năm đó, con đường có những tiệm nhận chế bản phim màu cho báo chí hay ảnh quảng cáo, nhộn nhịp nhất vẫn là Phạm Ngũ Lão. Không phải ngẫu nhiên, nhiều tòa báo ngày đó cứ chọn nằm loanh quanh trục đường này. Nhưng tiệm chế bản cliché đẹp nhất lại không nằm ở đó, mà là ở đường Phát Diệm, Trần Đình Xu bây giờ: Tiệm cliché Dầu.

Tôi lại nhớ, như lời kể của họa sĩ Lê Minh, người mà cho tới giữa những năm 1960 và đầu những năm 1970, càng nổi tiếng khi ngoài vẽ bìa Xuân, còn vẽ bìa các quyển truyện chưởng của Kim Dung do Phan Cảnh Trung, Hàn Giang Nhạn, Từ Khánh Phụng dịch. Ông nay cũng trên 80 tuổi, nhà ở khu Lê Quang Định, hồi tưởng: "Thập niên 1950 là thời vàng son của chúng tôi. Lúc đó xu hướng dùng ảnh chụp làm bìa chưa rộ nên Lê Trung, Thái Văn Ngôn, Duy Liêm và tôi tha hồ tung hoành. Những năm đó, tôi còn trẻ, ngoài vẽ bìa sách còn nhận thêm vẽ bìa Xuân. Mỗi năm nhận khoảng 5 - 6 cái bìa là có tiền ăn Tết no rồi”.

Khoảng vài tháng trước Tết, các báo như Sân Khấu Mới, Tia Sáng, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai đã bắt đầu đặt vẽ bìa. Các chủ báo không yêu cầu gì cụ thể, chỉ giao họa sĩ vẽ một bìa báo cho đẹp với tông màu rực rỡ. Thế là người ta tha hồ sáng tạo, nhưng nhất thiết phải có một cô gái xinh đẹp, có cành hoa Mai, có cảnh đi lễ chùa, đi chợ hoa, cho bồ câu ăn, có cả lư hương… - Cứ thế mà thay đổi, thêm thắt miễn sao các tranh bìa đừng giống nhau.

Thập niên 1950, như đã nói, kỹ thuật làm bản kẽm chỉ dùng chủ yếu để in ảnh trên bìa nên họa sĩ chỉ cần vẽ tranh làm sao cho phù hợp với kỹ thuật in mộc bản, dễ chạm khắc trên gỗ để in. Một bức tranh thường vẽ chỉ mất một buổi, nhưng vì họa sĩ cần vẽ nhiều tranh dồn lại mà phải giao gấp, nên mới có chuyện tông xe trên đường đi giao bìa ở phố Lê Lợi như với anh Duy Liêm. Người nổi bật lúc đó là Lê Trung, tên thật Lê Toàn Trung, người gốc Châu Đốc.

Anh tốt nghiệp trường Trung học trang trí Gia Định và là cựu sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội 1938, có thụ huấn các giáo sư Besson, Claude Lemaire, La Jonchères. Tranh của Lê Trung thường vẽ thiếu nữ diễm lệ, sóng mắt long lanh, ngực nở, eo thon hừng hực sức sống như cây trái miền Nam. Có người bảo đó là nét đẹp của Thẩm Thúy Hằng.

Giới bình dân ở Sài Gòn, cả người dân miền Tây, đặc biệt mê tranh bìa báo Xuân do Lê Trung vẽ. Tranh của anh đứng hẳn riêng một góc, khác hẳn dáng thiếu nữ thướt tha, mảnh mai kiểu “mỹ thuật Đông Dương” rất thịnh hành từ những bậc trưởng thượng như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh trước đó. Dạng tranh của Lê Minh có sức sống thật sự, đến mức bây giờ nhiều người vẫn còn nhớ và còn thích, như nhớ một quá khứ êm đềm vừa thoát khỏi tay thực dân và chiến tranh cũng chưa lan rộng. Lúc đó, với những tờ bìa báo Xuân, phụ bản màu cứ vào sau Tết, người ta sẽ cắt chúng ra để dán trên vách, trên cột là một cái mốt. Đến khi chúng úa vàng vì khói bếp hay thời gian, người ta vẫn tiếc, chưa bóc ra. Có thể nói, đó là dạng mỹ thuật đại chúng, dễ thưởng thức và đã tạo nên một thị hiếu thẩm mỹ tích cực nơi những bạn đọc rất bình thường, không mấy khi tiếp cận những gallerie xa hoa.

Sang thập niên 1960, bìa báo Xuân bằng tranh tuy vẫn còn được ưa chuộng nhưng một khuynh hướng mới đã bắt đầu lớn dần, ấy là đăng ảnh màu của các nghệ sĩ sân khấu, ca nhạc, điện ảnh. Khi ấy, phong trào tân nhạc, vào rạp xem phim nhựa và cả xem sân khấu cải lương đang phát triển, thu hút nhiều trai thanh gái lịch. Đã vậy, kỹ thuật in ấn, các thiết bị máy ảnh, phim màu từ nước ngoài nhập về cũng nhiều hơn, tạo thuận lợi để nó kéo dài cho đến 1975. Thi sĩ Đông Hồ trên tạp chí Sáng Dội Miền Namsố Tết Nhâm Dần 1962, đã viết: “Sách mà dám cho phát hành vào dịp áp Tết là nguy hiểm, cũng bằng tự giết mình, vì sách sẽ bị bao nhiêu mỹ nhân của tranh bìa, tranh phụ bản đè lên, chôn ngập mất…”.

Rồi đến thời của các photo studio như Bình Minh, Viễn Kính, Ái Mỹ mà anh Đinh Tiến Mậu từ tiệm Viễn Kính ở đầu ngõ 287 nhà tôi trên đường Phan Đình Phùng hồi những năm 1960 là một ví dụ. Nhưng đó sẽ là một câu chuyện khác.

Bài sưu tầm trên Fb chú Trịnh Anh Khôi

Đang xem: Bìa báo Xuân ngày cũ - Saigon xưa

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng