Chuyện Sách Cũ - Góp nhặt và chia sẻ

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn – Người thủ thỉ

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn – Người thủ thỉ

Nguyễn Đình Toàn là nhà văn của thập niên 1960, ông có 17 tác phẩm đã xuất bản gồm tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, bút ký, thơ và kịch, trong đó tác phẩm Áo Mơ Phai đoạt giải Văn học - Nghệ thuật của VNCH năm 1973.

… Ngoài văn chương, ông còn góp sức phát triển nền tân nhạc miền Nam Việt Nam trên Đài phát thanh Sài Gòn với chương trình Nhạc Chủ Đề vào mỗi tối thứ Năm. Người yêu văn học đều biết Nguyễn Đình Toàn là nhà văn nổi tiếng, nhưng hình như vào thời đó, người ta "nghe" Nguyễn Đình Toàn nhiều hơn là "đọc" Nguyễn Đình Toàn.

Thập niên 1960 thì chưa nhiều gia đình có TV, mỗi tối, quần chúng thường lắng nghe trên Đài phát thanh Sài Gòn nhiều chương trình ca nhạc như Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, Tiếng Nhạc Tâm Tình của Anh Ngọc - Mai Thảo, Tiếng Nói Dạ Lan – Người Em Gái Hậu Phương của Trần Ngọc Huyến. Nhạc Chủ Đề phát hàng tuần của Nguyễn Đình Toàn cũng không kém ăn khách, đã lôi cuốn thính giả bằng cách thể hiện mới, qua giọng nói trầm ấm như thủ thỉ của chính ông. Từ chương trình này, với lời giới thiệu luôn trau chuốt, ông đã dấy lên làn sóng yêu thích những ca khúc trữ tình, những bản tình ca quê hương giữa thời chinh chiến. Không riêng gì nữ giới, mà sinh viên học sinh nói chung, và cả những người lính cũng thấy xao lòng.

Năm 1998, vợ chồng nhà văn được phép xuất cảnh sang Mỹ, định cư tại Quận Cam cho đến bây giờ. Nói về chuyện "xuất ngoại"như thế, hầu như ai ra đi cũng vui cả, riêng Nguyễn Đình Toàn thì trước khi lìa bỏ quê hương, ông đã từng khổ sở vì phải lựa chọn. Đi là bứng mình ra khỏi đất nước, thân cây trồng trên đất mới dĩ nhiên vẫn có thể sống được nhưng trái sẽ chát, nên ông luôn tự nhận mình là người tạm trú trên đất khách quê người.

Trong Áo Mơ Phai, nhân vật chính là Lan đã một lần bỏ Hà Nội di cư vào Nam: "Nàng mong đợi ngày đi để đi cho xong, nhưng lại cầu nguyện cho ngày khởi hành đừng đến vội, để còn được ở lại đây thêm nữa, ở lại Hà Nội, chia xẻ nỗi đau đớn của Hà Nội, sống với Hà Nội, chết với Hà Nội, rũ rượi với Hà Nội. Rõ ràng là Hà Nội đang kiệt sức, những giọt mưa đọng trên các cành cây, những ngọn lá, chẳng khác Hà Nội khóc". Áo Mơ Phai là một dự cảm chia lìa, như Nguyễn Đình Toàn từng thổ lộ: "Tôi viết cuốn sách đó chỉ dựa trên những dự cảm đối với hoàn cảnh lịch sử cho một người chịu đựng nó, như chịu đựng sự đổi thay của thời tiết…".

Năm 2006, tại Mỹ, Nguyễn Đình Toàn cho ra mắt tập Bông Hồng Tạ Ơn (I & II) viết về 190 tác giả và ca sĩ Việt Nam. Tư tưởng muốn tải đi từ đó mộc mạc, giản dị khi ông viết về con người, cuộc đời và tác phẩm của những người được nhắc: "Đây không phải là cuốn sách nghiên cứu hay phê bình văn học, nghệ thuật. Mục đích của người viết nhắm chia xẻ chút hiểu biết, những gì còn nhớ được về các tác phẩm cùng tác giả mình ưa thích, với những ai có cùng cảm nghĩ. Như một cách bày tỏ lòng ngưỡng mộ, lòng biết ơn, đối với những người đã dâng hiến những gì tốt đẹp nhất mình có thể làm ra được cho đất nước, nhờ đó, mọi người đã được thừa hưởng. (…) Phần khác, để các bạn trẻ sinh trưởng bên ngoài, không biết nhiều về Việt Nam, một lúc nào đó, muốn quay về tìm các tác giả ở quê nhà, có thêm chút dấu vết, tài liệu…".

Ông sinh năm 1936 tại Gia Lâm, Bắc Ninh. Di cư vào Nam 1954, bắt đầu viết văn, làm thơ và viết nhạc. Tiểu thuyết Chị Em Hải là tác phẩm đầu tay, xuất bản năm 1961. Từ đó đến nay, ngoài 17 tác phẩm văn chương đã in, ông còn cống hiến cho đời các nhạc phẩm Hiên Cúc Vàng, Tôi Muốn Nói Với Em, Mưa Trên Cây Hoàng Lan…

Lời của Nguyễn Đình Phượng Uyển, con gái của Nguyễn Đình Toàn ghi trên blog: “(…) Nếu nói về dự cảm, Đồng Cỏ (1974) đã dự cảm về một cuộc bỏ chạy của người Việt ra nước ngoài với những sắp xếp, toan tính, dùng dằng người đi, kẻ ở. Truyện này, bố tôi đang viết ở dạng feuilleton, chưa kịp in thành sách. Hỏi: "Sao bố biết?". "Nhìn thấy những thứ xảy ra xung quanh, bố đoán được". (…) Bố tôi còn mẫn tiệp. Hình như khách nào đến chơi nhà cũng nói bố mẹ tôi ân cần, thân thiện. Đến bạn của con cái cũng thích ông bà già. (…) Lúc ông viết nhạc tôi còn quá nhỏ nên không hiểu được từng lời bài có ý nghĩa thế nào, chỉ thấy buồn. Tôi thuộc các bản nhạc của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên nhưng lại không thuộc được bài do bố mình viết. Bây giờ khi trưởng thành, tôi mới hiểu sâu sắc từng lời, như bài Căn Nhà Xưa mà bố tôi từng viết tặng mẹ tôi đúng vào sinh nhật bà. Lời của bài nhắc về thuở ban đầu hai ông bà gặp nhau, nhưng mẹ tôi không nhớ gì cả vì bà bị Alzheimer nên tôi cảm thấy đau lòng. Còn những bài bố viết tặng cho chúng tôi là những bài vui, tôi thuộc được nhưng hầu hết chưa phổ biến. Có khoảng 150 bài hát bố tôi chưa hề được phổ biến ra ngoài. Ông nói sẽ để sau này cho các con làm điều đó…”.

Nguyễn Đình Toàn còn có bút hiệu Tô Hà Vân khi viết văn và Hồng Ngọc khi viết nhạc. Ông viết nhiều truyện dài đăng thành nhiều kỳ trên các báo chí miền Nam trước 1975 như Văn, Văn Học và các nhật báo Tự Do, Chính Luận, Xây dựng và Tiền Tuyến. Định cư ở California, ông tiếp tục viết cho báo Viet Tide. Một số bản nhạc của ông được nhiều người biết đến là Sài gòn Niềm Nhớ Không Tên (Đúng ra là Nước Mắt Cho Sài Gòn) và Tình Khúc Thứ Nhất do Vũ Thành An phổ nhạc. Diva Khánh Ly đã thu âm và phát hành 2 đĩa nhạc với những sáng tác của ông. 

_____

(1) Hồi tôi (TAK) còn trẻ, tình cờ đọc trong một quyển Thiếu Nhi của ông Nguyễn Hùng Trương, đặc san Xuân Giáp Dần 1974, thấy có một bài hát chỉ có 5 câu nhưng lại đến 4 lời của nhạc sĩ Đỗ Đức Thu, lời của ông Nguyễn Đình Toàn. Bài đó có tên là Cổ tích, đến bây giờ hơn 46 năm vẫn nhớ, kể chuyện một cô gái cứ mơ mộng phải lấy cho được hoàng tử nên lên lầu cao tìm cách ném chuỗi ngọc vào xe tứ mã của chàng, nhưng lại ném trượt, vó ngựa dẫm lên chuỗi ngọc ấy không thương tiếc. Chỉ một bài hát có 5 câu, mà qua 4 lời, trước sau kể đủ câu chuyện, thì không phải giỏi thay cho người viết lyrics là gì? Này em yêu có muốn nghe một bài hát ru, hãy ngủ cho ngoan. Ngày xưa trên đất nước ta có thời hiếm hoi, thái bình khắp nơi. Năm vua ra kinh đô tứ dân vui mừng, bao nhiêu hoa đem ra rắc đầy mặt đường. Xe loan vua đi qua mấy hôm vẫn còn (Lời 1)… Ngựa vua đi qua phố kia, có nàng gái xinh trên lầu ngẩn ngơ. “Mẹ ơi, hoàng tử đến đây xin mẹ giúp con son vàng điểm tô. Gương xinh hương thơm đâu áo tơ khăn điều. Cho con ra bên song đứng chờ một lần. Ôi duyên trăm năm kia biết đâu sẽ gần?” (Lời 2)…

Đang xem: Nhà văn Nguyễn Đình Toàn – Người thủ thỉ

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng